Sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra dự kiến đổi mới phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020, trong đó điểm nổi bật là học sinh sẽ phải thi 3 bài thi gồm 2 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp, phóng viên Tạp chí Giáo dục Thủ đô đã ghi nhận ý kiến của một số Hiệu trưởng trường THCS trên địa bàn Thành phố xung quanh nội dung đổi mới nói trên.
ôi đã tìm hiểu dự kiến đổi mới tuyển sinh tại Hà Nội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và cùng hiệu trưởng các trường THCS tham gia hội nghị thông tin về phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức nên đã hiểu tương đối rõ ràng về những điểm mới mà Sở dự kiến thực hiện. Tại hội nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội đã nêu rõ cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý của sự đổi mới trong cách thi vào 10.
Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương đổi mới của Sở GD&ĐT Hà Nội bởi việc đổi mới thi vào 10, cụ thể là có các bài thi tổ hợp, chứ không chỉ thi hai môn Toán, Văn là một mắt xích để đổi mới giáo dục vì cách thi, xét tuyển cũ bộc lộ nhiều bất cập, khó đáp ứng được khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đòi hỏi sự phát triển toàn diện học sinh, đòi hỏi các kỹ năng mềm. Cách thi cũ khiến không ít học sinh học lệch, chỉ ưu tiên cho Toán, Văn mà bỏ quên các môn khác. Trong khi chương trình THPT có rất nhiều môn cần kiến thức nền tảng từ cấp THCS. Bài thi tổ hợp có cả ngoại ngữ, KHTN và KHXH sẽ đảm bảo đào tạo toàn diện cho học sinh. Theo tôi biết thì từ chục năm trước các tỉnh đã thi nhiều môn chứ không chỉ Toán, Văn.
Hơn một năm chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 năm học 2019 – 2020, theo tôi là đủ bởi từ nhiều năm nay giáo viên trường THCS Lê Quý Đôn đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng giảng dạy liên môn. Các bài thi trắc nghiệm khách quan cũng đã phổ biến tại trường, kể cả các môn khoa học xã hội học sinh cũng đã quen với hình thức thi trắc nghiệm. Theo dự kiến của Sở GD&ĐT Hà Nội là tháng 3 hàng năm sẽ công bố tổ hợp thi, điều này cũng không lo lắng lắm bởi từ trước đến nay, trường THCS Lê Quý Đôn đều giảng dạy đồng đều tất cả các môn, không cắt xén, đảm bảo số tiết (ngay cả học sinh lớp 9).
Để học sinh yên tâm bước vào kỳ thi, trước hết các thầy cô giáo phải hiểu rõ cách tuyển sinh. Trường cũng sẽ chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên hướng dẫn cho học sinh về những điểm mới của kỳ thi. Học sinh học bán trú ở trường (học 2 buổi/ngày) hiện nay đều có quỹ tiết tăng cường cho các môn. Các năm trước tăng cường Toán, Văn, Tiếng Anh và các môn học sinh cảm thấy khó như Toán, Lý, Hóa. Năm tới, trường sẽ tăng cường đồng đều tất cả các môn.
Khi kỳ thi THPT quốc gia bắt đầu có bài thi tổ hợp ban đầu mọi người cũng rất băn khoăn, nhưng qua thực tế của kỳ thi năm trước cho thấy kết quả rất khả quan và rõ ràng mọi thứ không hề vội vàng. Với kỳ thi vào 10 có những đổi mới theo dự kiến thì điều lo lắng nhất của trường cũng như giáo viên là đề thi sẽ như thế nào. Theo công văn của Sở, đề thi gồm các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong có sự phân bố điểm trong đề từng cấp thật hợp lý, khoa học. Đồng thời mong ngành sớm ban hành đề thi minh họa để giáo viên, học sinh tiếp cận và có cách học phù hợp.