Thí sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm nay tăng đột biến, thêm tới 24.000 em, chủ yếu do tăng dân số cơ học vào năm đẹp dê vàng (2003). Trong khi, Hà Nội cũng chỉ đảm bảo được 60% học sinh vào trường công lập, do đó, tỷ lệ ‘chọi’ sẽ cao hơn hẳn mọi năm. Điều này đang gây áp lực lớn cho các trường cũng như phụ huynh, học sinh…
Tại Hà Nội, số liệu thống kê đến thời điểm này cho thấy có khoảng 100.000 học sinh đang học lớp 9 và đương nhiên sang năm số này sẽ phải cạnh tranh vào lớp 10 công lập. Số lượng này tăng so với kỳ tuyển sinh 2017 là 24.000 học sinh. Đây là con số không nhỏ khiến các bậc phụ huynh khá lo lắng về việc tìm chỗ học vừa sức cho con.
Thực tế, năm nào Hà Nội cũng chỉ dành khoảng 60% chỉ tiêu vào trường công lập, gần 40% học sinh phải học hệ ngoài công lập hoặc giáo dục thường xuyên, học nghề… Và không chỉ cạnh tranh công lập khó mà cả suất vào những trường ngoài công lập chất lượng cũng sẽ khó bởi quá đông học sinh. Trong khi đó, những năm gần đây, chỉ tiêu vào lớp 10, Hà Nội luôn có chủ trương giảm sĩ số học sinh trong lớp để tăng chất lượng. Do đó, nếu các trường THPT không được tăng chỉ tiêu để đảm bảo sĩ số như năm trước thì học sinh sẽ rất vất vả để đỗ được vào công lập.
Hơn nữa, có một thực tế, ngay cả không vào năm “đẹp”, lâu nay số trường THPT công lập ở Hà Nội vốn đã không đủ để đáp ứng nhu cầu. Đơn cử quận Cầu Giấy, trong khi số lượng trường THCS công lập và ngoài công lập khá đông với 21 trường thì ở khối THPT chỉ có 3 trường công lập.
Dự báo tỉ lệ chọi thi vào lớp 10 năm nay sẽ tăng cao, tuy nhiên, thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, năm nay Hà Nội có xây mới một số trường THPT công lập nên tăng cơ hội học công lập cho học sinh tốt nghiệp THCS. Bên cạnh đó, Sở cũng đang làm tờ trình báo cáo thành phố về việc đảm bảo tỷ lệ phần trăm chỉ tiêu công lập tương đương năm trước để tạo điều kiện cho học sinh được học công lập. Mặc dù vậy, vẫn có khoảng 40% học sinh sẽ phải học trường ngoài công lập, trung cấp, học nghề hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên. Việc lựa chọn học trường nào sẽ là bài toán khó đối với các bậc phụ huynh có con sinh năm Quý Mùi 2003.
Năm 2018 không thi Ngoại ngữ để vào lớp 10
Những ngày này, trên một số trang mạng xã hội lan truyền thông tin từ năm học 2018 -2019, Hà Nội sẽ tiến hành thi tuyển sinh vào lớp 10 với ba môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ thay vì chỉ hai môn Toán và Ngữ văn như trước đây. Thông tin này khiến phụ huynh và thí sinh thêm hoang mang, lo lắng.
Khẳng định với báo chí, ông Ngô Văn Chất, Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Những thông tin đồn thổi trên mạng nói từ năm 2018, Hà Nội thi thêm môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là không chính xác. Sở chưa có kế hoạch đưa môn Ngoại ngữ vào thi ra lớp 10 mà sẽ vẫn giữ nguyên hai môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn trong năm 2018.
Đối với lớp 10 THPT không chuyên, Sở cho phép tuyển sinh theo phương thức kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Thành phố tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT với hai môn thi Ngữ Văn và Toán. Các em có nguyện vọng thi vào lớp chuyên của 4 trường THPT chuyên gồm: Hà Nội – Amsterdam, Chu Văn An, Nguyễn Huệ hay Sơn Tây thi thêm môn Ngoại ngữ và các môn chuyên vào ngày 10 và 11/6.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cô rất đồng tình nếu được đưa Ngoại Ngữ vào làm môn thi thứ 3, kỳ thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội. Theo cô, ngay cả thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT, 3 môn Ngoại Ngữ, Toán, Ngữ Văn, cũng là 3 môn chủ lực. Song nếu thi, phải công bố ít nhất 1 năm. Thời điểm này mà sở công bố năm sau sẽ thi Ngoại Ngữ, chỉ còn 1 học kì thì không công bằng với học sinh.
Đồng quan điểm này, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng THPT Việt Đức (Hà Nội) bày tỏ: “Tôi nghĩ Hà Nội có thể cho môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc để thi vào lớp 10 cũng là điều cần thiết. Hiện nay, việc giảng dạy ngoại ngữ ở khu vực nội thành nói chung là tốt. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt so với ở các trường ở khu vực ngoại thành. Do vậy, việc tổ chức thi vào 10, nếu có môn Ngoại Ngữ sẽ không gây xáo trộn hoặc gây khó khăn gì cho việc dạy và học của nhà trường”.
Cũng như cô Nhiếp, thầy Bình cho rằng, điều quan trọng là phải xây dựng kế hoạch trước cho kỹ càng chứ không nên làm vội vàng. Còn nếu có thay đổi môn thi trong nhà trường thì nên công bố sớm ít nhất một năm cho cả phụ huynh, học sinh có thời gian chuẩn bị. Đặc biệt, cần có khảo sát, đánh giá việc dạy và học Ngoại Ngữ ở địa phương. Nếu việc khảo sát cho thấy, không có chênh lệch quá lớn thì tổ chức thi. Cần có cơ sở lý luận và thực tế.
Được biết, năm học 2014, ngoài 2 môn Ngữ Văn và Toán, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh áp dụng môn Ngoại Ngữ làm môn thi thứ 3 vào lớp 10 THPT.
Ở Hà Nội, năm học 2017 – 2018, toàn TP có 82.934 học sinh xét tốt nghiệp THCS nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ trung học phổ thông là 69.500 học sinh, trong đó các trường công lập tuyển 56.840 học sinh, các trường ngoài công lập tuyển 12.660 học sinh. Số học sinh được tuyển vào trung tâm giáo dục thường xuyên là 7.000 học sinh. Số học sinh được tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp là 6.443 học sinh.Tuy nhiên, theo quy định, thời điểm này, các trường vẫn chưa được phép tổ chức ôn tập cho học sinh mà phải đợi đến đầu tháng 5/2018.
Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng, bà Lê Thị Thúy Nga chia sẻ về áp lực “trò thi, cô lo” bởi khi tuyển đầu vào, trường công lập như THCS Dịch Vọng phải tuyển tất cả học sinh lớp 6 trên địa bàn, nghĩa là không được chọn đầu vào. Do đó, để nâng chất lượng học sinh, đỗ tỷ lệ cao vào các trường THPT công lập, giáo viên cực kỳ vất vả. Học sinh khá bồi dưỡng để giỏi lên, em trung bình, yếu kém giáo viên lại dạy phụ đạo. Bởi thế, năm trước, điểm thi học sinh lớp 9 của trường chỉ đứng sau THCS Cầu Giấy, một trong những trường có chất lượng tại quận.